Tại Quyết định số 505/QĐ-TT ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là một ngày ý nghĩa với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Năm học 2023 – 2024 trường TH Hải Thành đã xác định mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám hiệu (BGH) trong công tác quản trị nhà trường; công tác quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường và công tác phối hợp với phụ huynh học sinh và các đoàn thể ngoài nhà trường. Thực hiện số hóa hồ sơ học sinh. Qua quá trình nghiên cứu tìm tòi tôi nhận thấy rằng ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số vào trong công tác chủ nhiệm lớp mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng quan trọng trong công tác chủ nhiệm lớp. Chuyển đổi số không chỉ mang lại những lợi ích to lớn mà còn giúp nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và quản lý lớp học. Trong bài viết này tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác chủ nhiệm lớp, từ đó giúp cho việc quản lý học sinh và giảng dạy trở nên hiệu quả hơn.
1. Ứng dụng CNTT vào việc liên hệ với phụ huynh học sinh làm cầu nối qua phần mềm nhóm Zalo – Messenger.
Nhận thức được tầm quan trọng của phần mềm này, tôi đã ứng dụng triệt để, ngay từ đầu năm học tôi đã thành lập nhóm Zalo – Messenger trên thiết bị điện tử. Sau đó tôi gửi thông tin nhóm cho phụ huynh tham gia. Hiện tại nhóm lớp của tôi có 39 thành viên bao gồm tất cả phụ huynh học sinh lớp và các thầy cô giáo dạy bộ môn. Để giúp việc sử dụng nhóm zalo được hiệu quả tốt nhất. Tôi đưa ra một số nội quy sử dụng nhóm zalo lớp.
Ngoài ra, tôi còn sử dụng ứng dụng này lập ra các nhóm nhỏ trong lớp như nhóm các em ăn bán trú, HS tập văn nghệ… để quản lí và trao đổi thông tin tránh gây phiền cho các phụ huynh không có con em tham gia. Nhờ vậy, công việc của tôi được giải quyết chất lượng và hiệu quả hơn.
Ứng dụng này đã là cầu nối giúp chúng tôi và các bậc phụ huynh tăng sự gắn kết hơn, phối hợp chặt chẽ hơn để cùng nhau hoàn thiện một mục tiêu chung đó là: Nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý học sinh
Vào đầu năm học mới, ngay từ tuần đầu của năm học, tôi đã tìm hiểu tỉ mỉ hoàn cảnh, địa chỉ,năng lực học tập,… của từng em. Tôi tâm niệm rằng là một giáo viên chủ nhiệm lớp có hiểu rõ những điều đó thì công tác nhiệm mới đạt được kết quả tốt nhất. Vì vậy trong kì họp phụ huynh đầu năm, tôi đã khuyến khích và động viên phụ huynh chia sẻ các thông tin của cá nhân về gia đình, về học sinh qua Phiếu lấy thông tin.
Sau khi nắm bắt được thông tin cá nhân tôi tiến hành rà soát và nhập bổ sung thông tin của học sinh vào website riêng của lớp trong Cở sở dữ liệu ngành Giáo dục (truong.haiphong.edu.vn) để tiện theo dõi, sử dụng. Website là phần mềm giúp quản lý hồ sơ, thông tin học sinh và kết quả rèn luyện của các em rất tốt. Chỉ cần một cú nhấp chuột, mỗi giáo viên đã có thể tìm thấy những thông tin cần thiết của từng em. Mang lại nhiều lợi ích kinh tế và tiết kiệm được thời gian tiền bạc. Phù hợp với xu thế đổi mới ứng dụng CNTT trong nhà trường và trong Giáo dục.
Biện pháp này giúp tôi xây dựng một tác phong làm việc, giúp cho việc lưu trữ, tìm kiếm và xử lý thông tin về học sinh một cách thuận lợi.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả tiết Hoạt động trải nghiệm cuối tuần.
Tôi xác định rằng tiết hoạt động trải nghiệm cuối tuần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác chủ nhiệm ở bậc tiểu học. Nhờ ứng dụng CNTT mà tiết hoạt động trải nghiệm diễn ra nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Bên cạnh những hoạt động cơ bản của hoạt động trải nghiệm như nhận xét đánh giá cuối tuần, đề ra kế hoạch và biện pháp thực hiện kế hoạch cho tuần mới, tôi đã ứng dụng CNTT để tổ chức các hoạt động lồng ghép theo chủ đề, chủ điểm nhằm mang lại hứng thú cho học sinh.
Việc ứng dụng CNTT để tổ chức các hoạt động trong các tiết sinh hoạt lớp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã làm cho học sinh giảm bớt căng thẳng luôn háo hức, mong chờ những điều bất ngờ , thú vị mà tiết sinh hoạt lớp mang lại.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Hiện nay kỹ năng sống của các em học sinh đang là vấn đề rất đáng quan tâm. Với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội trẻ em luôn nhận được sự yêu thương, quan tâm đặc biệt, tuy nhiên ở một số gia đình sự quan tâm, bảo bọc thái quá vô tình làm một số em chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Bên cạnh những phương pháp truyền thống, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở mọi nơi, mọi lúc thì tôi còn ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục kĩ năng sống cho học sinh bằng cách trình chiếu các hoạt động bổ ích trên slide cho các em xem, theo dõi. Lồng ghép các kĩ năng thiết yếu như: An toàn giao thông, kĩ năng phòng tránh các tai nạn thương tích,các hành vi chuẩn mực về đạo đức xã hội, các kĩ năng giao tiếp,.... qua các hoạt động trò chơi, những câu chuyện, chương trình bổ ích dành cho thiếu nhi. Sau mỗi hoạt động các em được cùng nhau chia sẻ những cảm nhận và bài học có được từ những hoạt động kể trên.
Biện pháp này đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Đa số các em đã tích cực thay đổi những hành vi, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày, biết yêu thương hơn, quan tâm hơn, biết chia sẻ với mọi người và thể hiện cảm xúc một cách đúng mực trong mọi hoàn cảnh.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi thi đua, khen thưởng học sinh qua phần mềm ClassDojo
Để việc ứng dụng biện pháp này đạt hiệu quả, GV cần chú trọng đến những việc học sinh làm được. Với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi tiểu học, HS rất dễ hứng thú khi được khen ngợi, được thầy cô và các bạn công nhận sự cố gắng của mình. Thông qua những việc làm nhỏ của HS mà thầy cô đưa ra những khen thưởng, động viên kịp thời để HS hứng thú hơn, nhờ đó phát huy được tính tích cực của mình.
Những điểm khen thưởng này được tổng hợp lại trên phần mềm ClassDojo để đổi lấy sticker hoặc phần thưởng như vở, bút... Qua những hành động nhỏ này phần nào giáo dục các em các kĩ năng sống cơ bản như tích lũy, cẩn thận...
6. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giáo dục học sinh thông qua các tiết học
Là một GVCN lớp đồng thời cũng là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Toán và Tiếng Việt, tôi luôn tâm niệm làm sao để nâng cao chất lượng của lớp. Chính vì vậy, mà tôi đã không ngừng sử dụng công nghệ thông tin vào các tiết học.
Việc ứng dụng CNTT giúp tôi soạn bài giảng điện tử để đổi mới cách dạy và học đã mang lại hiệu quả tích cực. Đối với biện pháp này tôi đã thiết kế các hoạt động giảng dạy bằng các slide trên phần mềm Microsoft Powerpoint, Isupring 10, Vẽ sơ đồ tư duy trên phần mềm Violet, Sử dụng phần mềm Giáo dục Plicker trong kiểm tra và làm bài tập…. nhằm thay đổi không khí học tập cho các em. Nhiều bài học các em có thể được quan sát những hình ảnh của sự vật, hiện tượng mà các em chưa được thấy bao giờ, điều này giúp cho các em phát huy hết được tư duy, học tập chủ động.
Giải pháp này sẽ giúp giáo viên, học sinh tích cực chủ động tìm hiểu kiến thức. Tạo được sự tự tin khi bước vào hoạt động học, các em sẽ hăng hái hơn trong mỗi tiết học. Từ đó khơi ý thức tự học, hứng thú học tập, kích thích tinh thần ham học hỏi ở học sinh. Với sự hỗ trợ từ phương tiện dạy học là công nghệ thông tin sẽ đưa các em đến với kiến thức mới một cách tự nhiên hơn. Bài dạy của giáo viên dễ hiểu hơn, sâu sắc hơn và kiến thức được mở rộng hơn.
Nhìn chung, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chủ nhiệm lớp đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể và là một xu hướng không thể phủ nhận. Việc tiếp tục khai thác và phát triển ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chủ nhiệm sẽ đem lại những tiềm năng và cơ hội mới cho việc quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.